Câu chuyện kinh doanh thời khởi nghiệp

(Theo lời kể của Giám đốc Công ty Hào Phong)

1. Học kinh doanh

Tôi từ bé được ông bà cho đi học miệt mài cho hết lớp 10 thì thi vào đại học. Hồi đó ai có điểm thi 24 điểm/ 3 môn (bình quân 8) là có suất đi học nước ngoài rồi mà mình đây khi xem kết quả thấy 25 điểm cũng tự lượng sức xin nguyện vọng vào ngành dược (nếu có cái bằng này bây giờ dù đi thuê mở cửa hàng dược cũng đủ ăn). Ai dè cái lý lịch con nhà tư sản nên bị ném vào ngành bét nhất thời đó là Sư phạm với câu diễu “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa. Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm“.

Đúng là một cái sai, cái sai sau lại đúng với việc kinh doanh sau này. Đó là giấy gọi nhập học ghi khoa Toán nhưng tới nơi tập trung lại bị mấy anh khoa Toán lớp trên thày dùi rằng mày xin sang khoa Kỹ thuật Công nghiệp chắc chắn sau này ra trường không ở thành phố cũng về thị trấn. Ra trường thấy ân hận vì học sinh không hứng học môn phụ này và chẳng mấy thầy dạy Kỹ thuật công nghiệp mà được phân công làm giáo viên chủ nhiệm. Lúc đó là năm 1976 còn trớ trêu hơn nữa khi mà Quyết định công tác của tôi là thị xã Lai Châu ở tận miền Tây Bắc xa xôi. Thế là bắt đầu cho cuộc lưu đày biên cương tròn 14 năm, cuối năm 1990 mới có quyết định chuyển vùng về Hà Nội. Cái lãi của sự nghiệp giảng dạy ở Tây Bắc là đi 1 về 4 và điều tôi vẫn tự hào nói với đồng nghiệp ở lại đồng bằng dạy học là tôi đã trải qua những thử thách lớn nhất của người đàn ông và không vất vả nào mà tôi chưa từng vượt qua. Bước vào cuộc sống nơi thủ đô với bàn tay trắng mọi thứ phải chi tiêu thật ngột ngạt, hai đứa con còn bé bao nhiêu việc phải chi. Cũng năng động tìm việc cho bà xã nhưng chỉ với cái máy may gia công công việc lúc khoan lúc nhặt thu nhập cũng bấp bênh.

Mai Châu, Việt Nam

14 năm công tác và giảng dạy trên vùng cao Tuần Giáo, Lai Châu (bây giờ tỉnh Điện Biên)

Chợt một ngày tôi phát hiện ra tại sao mình không ra đứng ra kinh doanh như nhiều nhà hàng xóm cùng phố. Đúng là sáng kiến vĩ đại, sau bao nhiêu can ngăn của đồng nghiệp đại loại như là sao em dại thế bỏ đi cái công chức an toàn đi lấy cái sự nghiệp kinh doanh không chắc chắn. Rồi thời gian cống hiến cho nhà nước hơn chục năm thôi thì cố gắng thêm rồi về hưu cho có lương, vv… Nhớ lại lúc đó nhà mình ở cuối phố lèo tèo chỉ vài nhà bán hàng, còn chợ họp đông vui phải tính từ quãng ngã tư Thuốc Bắc – Hàng Vải hất lên đầu phố. Mà lệ bất thành văn là nhà chú em đã bán khóa, goong ke, bản lề rồi thì nhà mình bán thứ khác miễn là không đụng hàng, thế là tôi với số vốn còm chưa đến 2 triệu đồng đã ung dung là chủ một cửa hàng với các mặt hàng rất rẻ tiền là đinh, dây thép, đồ gia công gỗ như đục, bào, búa, vv… Quả thực thời gian đầu tính cái thu nhập thật thê thảm cả ngày bán bình quân khoảng 30.000 – 50.000 đ cả vốn lẫn lãi, số tiền mà chắc thời bây giờ còn không đủ để ăn sáng. Ông nội tôi cũng lo nhưng không nói ra thỉnh thoảng ra cửa quan sát con làm ăn sau một thời gian ông mới hỏi:

– Thế anh có biết điều quan trọng trong kinh doanh là gì không?

– Dạ, là phải chịu khó thức khuya dậy sớm , là phải chiều khách là phải, vv…

Ông từ tốn nói anh nhớ cho bố 2 điều:

  • Buôn bán là phải giữ chữ tín
  • Lấy bán buôn làm chủ đạo

Lúc đó trong đầu tôi nghĩ chữ tín thì đúng rồi còn bán buôn thì làm thế nào, mình vốn còm và kinh nghiệm thương trường gần như con số 0 đôi khi thấy nó thật xa vời.

Nhưng trải qua thương trường mới thấy lời dạy của ông bố thật chí lý mỗi mỗi sản phẩm của chủ hàng mình cũng đều nghiên cứu hay dở và suy nghĩ cần cải tiến thế nào để hoàn thiện, sau đó góp ý cho họ để cải tiến cho sản phẩm phù hợp với yêu cầu của người dùng. Thời điểm đó cũng có các đơn vị nước ngoài qua tìm hiểu thị trường nên qua tiếp xúc với các công ty nước ngoài tôi nghiên cứu khả năng thâm nhập phát triển tiêu thụ trong thị trường. Nhớ hồi đó có hãng bánh xe đẩy số một Nhật Bản là Hammer Caster cũng qua chào hàng. Nhưng quả thực hàng ngoại hồi đó giá cao, giá bán của họ là trên trời với khả năng của người tiêu dùng cũng như số vốn ít ỏi mà tôi đang có.

Logo bánh xe đẩy Hammer Caster

Hammer Caster là thương hiệu bánh xe đẩy số 1 của Nhật Bản

Một lần gặp mặt với Ông chủ công ty Phong Thạnh hồi đó là anh Đức. Tôi chủ động đưa Catalog bánh xe đẩy của hãng Hammer Caster cho anh xem. Tôi còn nhớ anh rất ngạc nhiên và ngỡ ngàng vì anh không ngờ bánh xe đẩy mà cũng có Catalog mà lại còn đẹp, nhiều chủng loại và chi tiết đến thế.

Catalog bánh xe đẩy Hammer Caster

Hammer Caster là một trong những hãng có quyển Catalog dày, đẹp và công phu nhất thế giới

Tôi cũng tư vấn cho anh thấy là sản phẩm mẫu mã thế nào để bán được cho người tiêu dùng. Tôi khuyên anh đọc và nghiên cứu kỹ để xem phương hướng sản xuất. Anh cầm cuốn Catalog dày cộp ấy với những ghi chép đề xuất của tôi về khách sạn để sáng sớm hôm sau bay vào Sài Gòn. Nhưng 12 giờ đêm hôm ấy, thấy có tiếng gõ cửa; tôi ra mở thật bất ngờ anh xuất hiện, anh hơi căng thẳng nói:

– Tôi quay lại nhà anh muốn gặp anh và hỏi một câu thôi. Sản phẩm theo mẫu mã này làm ra liệu có tiêu thụ được không ?

Tôi không còn đường lùi nói luôn nếu anh còn lăn tăn tôi xin gửi anh hoàn toàn tiền vốn đầu tư để làm ra sản phẩm. Thua tôi chịu nếu được anh phải giao sản phẩm cho tôi độc quyền tiêu thụ. Anh Đức thở phào nói có câu nói đó của anh, em không còn lăn tăn gì nữa nhất quyết để công ty tự bỏ vốn ra sản xuất.

Bánh xe đẩy SISIKU 150 cao su

Bánh xe đẩy cao su thương hiệu SISIKU của Nhật – cảm hứng cho các dòng bánh xe L, N nội địa Việt Nam

Kết quả họ cũng không không ngờ sản phẩm mới đạt nhiều doanh thu và khen ngợi của khách hàng để rồi thực sự chiếm lĩnh thị trường. Ở đầu Hà Nội, tôi cũng toàn tâm toàn ý phát triển bán hàng cho Phong Thạnh, tiền hàng thanh toán mỗi tháng tôi đều cố xoay xở cho bằng được và trong suốt 20 năm kinh doanh với Phong Thạnh, tôi chưa bao giờ thanh toán trễ hạn. Sau cùng tự bản thân cũng phải vươn lên học hỏi hoàn thiện cho mình kỹ năng nhận định hàng hóa thương trường và cái may xuất hiện đúng lúc với cái vốn Kỹ thuật công nghiệp đó giờ lại trở thành lợi thế khi đọc bản vẽ, phân tích Catalog hay đánh giá chất lượng sản phẩm cơ khí. Thường những dịp vào Sài Gòn họp các anh hay mời tôi đến văn phòng nói chuyện thời thế kinh doanh và dự đoán xu hướng phát triển của ngành hàng bánh xe cho ban lãnh đạo.

Sau thời gian kinh doanh 1992-2013 ngẫm lại lời dạy của bố thật chí lý: mình tự lập công ty và làm đại lý cho các hãng lớn trong và ngoài nước đã giúp cho con cái tôi vươn xa có được những thành quả hôm nay. Xin cám ơn người bố tận tụy.

2. Mánh lới kinh doanh

Ai chẳng biết kinh doanh phải có kinh nghiệm thương trường, phải có mánh lới hay có người gọi là thủ đoạn. Làm thế nào để bố mẹ tôi từ hai bàn tay trắng tạo dựng sự nghiệp kinh doanh, có cửa hàng lớn trên khu phố cổ và vài cái bất động sản khác?

Quay trở về quá khứ, ông nội tôi mất năm 1920 và sau đó bà nội mất năm 1923. Khi bố tôi mới 3 tuổi ở cùng ông anh trai lúc đó mới 13 tuổi. May mắn là ở Bắc Giang có em trai của cụ bà cưu mang đón các cháu về nuôi. Sống với cậu được khoảng 7 năm thì anh trai lập gia đình kéo em về nuôi. Hai anh em cùng nhau đi bán hàng rong, làm thuê, làm mướn nên cuộc sống thật không dễ chịu.

Khi bố đến 15 tuổi, bác trai đã lập gia đình nên chiều theo ý kiến của em trai bác bán đi con lợn, cấp cho em một vốn làm ăn. Vống liếng đó theo bố kể là đôi quang, gánh đi bán rong ngang cùng ngõ hẻm với các vật dụng hàng ngày là bấc đèn, đá lửa, bóng đèn dầu hỏa, diêm, dây chun quần áo, … Chính hình ảnh này thường bắt gặp trên đường phố Hà Nội nhưng theo thời cuộc bấy giờ mẹt có bật lửa ga, móc chìa khóa, mấy cái để chân xe máy. … Bố nói mỗi ngày bán hàng xong đều đưa tiền lãi cho chị dâu giữ hộ, bà chị dâu nói đùa chị dành tiền sau này cưới vợ cho chú. Nhưng bà không hiểu hết ý đồ của ông em chồng là sau thời gian rong ruổi bán hàng, bố tôi đã rút ra một nguyên lý nếu mình tích cóp đủ vốn sẽ ngồi một chỗ để bán hàng lại cho chúng bạn hàng, mà nói nôm là phải tính cách ra bán buôn làm ông chủ.

Sau 5 năm tích lũy vừa cưới vợ bố bỏ bán rong chuyển về đất Lục Nam để theo tàu thủy đi Hải Phòng cất hàng về bán buôn. Thời gian này đã có tích lũy có nhà riêng và đầu tư mua nhiều đất ở núi Gốm. Đến năm 1951 trên đất Lục Nam, Việt Minh hoạt động mạnh nên người Tây bắt dân đi phu làm đồn bốt. Ông bị bắt đi phu gùi vật liệu phục vụ xây dựng đồn bốt, thấy vất vả quá ông chạy ra Phả Lại Hải Dương. Đầu năm 1952 tậu ngôi nhà mặt phố lợp tôn ở số 48 Yết Kiêu giữa trung tâm thị trấn buôn bán sầm uất, đối diện bên đường là chợ Phả Lại. Cái gian hàng đó bà chị kể là lợp tôn khang trang bề thế lắm: cửa kính lắp phía ngoài, cửa cao đến nóc, hai bên là tủ kính bày hàng nhìn từ bên ngoài vào sáng choang. Gian phía sau khoảng 15m2, ông bà xây một nhà mái bằng để có biến về máy bay hay bom đạn thì cả nhà chạy vào đó trú ẩn. Thời gian này bà thường về Hà Nội đóng hàng ô tô chở về, mỗi lần hàng hóa ngổn ngang nào đường viên, chăn len, hạt dẻ đỏ, quần áo, nghĩa là hàng tạp hóa đủ các loại mùa nào thức đó.

Đầu năm 1954 chiến dịch Điện Biên Phủ đang trong giai đoạn Việt Minh thắng thế. Nhưng ở Sao Đỏ chính quyền Ngụy lung lay còn Việt Minh chưa đủ mạnh để thay thế và ổn định trị an. Trong cảnh hỗn quân, hỗn quan nhiều vụ cướp của xảy ra, bố tôi suy tính sống ở đó không ổn phải đưa cả nhà ra Hà Nội, nếu thuận thì lên tàu há mồm di cư vào Nam cũng mấy người bạn buôn. Bước đầu bố thuê nhà 93 Thuốc Bắc của một gia đình người Tàu di cư vào nam làm điểm làm ăn và không ngờ đây là thời kỳ bố kinh doanh lãi lớn nên thôi không đi Nam nữa.

Sau đó, Việt Minh và Pháp ký hiệp định đình chiến. Quân Pháp và những người Việt Nam nào tình nguyện di cư sẽ ra tập kết ở Hải Phòng chờ tàu chở đi Nam. Một số nhà buôn ta và tây ở Hà Nội muốn đi Nam trong thời gian này rao bán lại toàn bộ hàng hóa với giá rẻ. Họ không dám treo biển đại hạ giá hay giảm giá cực sốc như bây giờ mà lặng lẽ rỉ tai nhau, bố tôi và mấy người bạn chung nhau mua hết sau đó bán lại với giá cao hơn thị trường. Đến nỗi mà theo ông Đức Nguyên – Cửa hàng ở 87 Thuốc Bắc nay ở phố Hàng Giấy kể chỉ nguyên một lần mua lại toàn bộ lưỡi câu cá rồi bán đi cũng dư tiền mua một căn nhà Hà Nội.

Trong thời gian này tình hình hỗn loạn, người đi kẻ ở. Do thương nhân không an tâm nhập hàng mới nên thị trường Hà Nôi khan hiếm hàng hóa cực kỳ. Trong khi đó Hải Phòng lại sẵn hàng, điều nguy hiểm là Việt Minh cho đặt mìn trên Đường 5 để hạn chế người Việt Nam ra đi cũng đề phòng người Pháp tráo trở quay lại Hà Nội. Bố kể nếu mang hàng hóa về chót lọt thì bán đắt như tôm tươi nên liều mạng thuê xe đi xuống Hải Phòng làm liều mấy chuyến xong là thôi. Nhưng có một lần xe hàng ông bạn buôn đi trước xe bố bám theo vệt bánh xe theo sau về đến Hưng Yên thì xe đi trước vướng mìn du kích nổ tan xác. Xe bố đi sau bị nhẹ hơn nhưng ông bị sức ép mìn làm ù tai. Sau này về già, ông thường bị những cơn đau đầu khủng khiếp hành hạ. Những lúc lúc như vậy bố tôi nằm trên gường đắp khăn che kín mắt, trẻ con phải lùa ra đường không cho đứng gần nô nghịch.

Một thói quen thời đó là người dân chỉ dùng viên đá lửa màu đen. Một lần bố xuống Phòng gặp một nhà buôn mua nhầm phải lô đá lửa cũng hãng đó nhưng màu đỏ không ai chịu mua hàng. Ông này bí quá hạ giá rất bèo nên không ngần ngừ bố tôi xuống tiền mua luôn lô hàng đó mang về. Bà mẹ tôi nhìn thấy hàng kêu giời trách móc, bố tôi không nói gì lẳng lặng đi ra hàng sơn mua sơn ta về chế biến theo cách gì đó rồi cho một mẻ đá lửa vào trộn đều. Thật may mầu viên đá lửa sơn ra giống hệt đá lửa màu đen truyền thống vậy là mẹ tôi chỉ còn mời khách đến mua và đếm tiền.

Qua vài thương vụ như kể trên cộng với tích lũy từ trước bố mẹ có tiền rủng rỉnh, tháng 10/1956 mua thêm 1 – 2 căn nhà trên phố cổ. Các mánh kinh doanh của ông thời đó thỉnh thoảng ông cũng kể lại. Tôi cũng hay đọc trộm bản tự kiểm điểm của ông trong đợt cải tạo công tư hợp doanh nhưng chỉ là nghe và đọc xong để đấy. Ai dè, sau này ra thương trường đôi lúc cũng thấy gặp vài chiêu tương tự liền áp dụng và thành công, ngẫm lại thấy câu dân buôn bán có nòi chắc là đúng vậy.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top